Đóng

Tin tức

25 / 10 2018

Đăng bài trên tạp chí nước ngoài nào được tính để phong giáo sư?

Việt Nam hiện nay đã có duy nhất tạp chí Toán học Acta Mathematica Vietnamica (Viện Toán học Việt Nam) được lọt vào danh sách Scopus. Trong khi đó, Malaysia đã có 48 và Thái Lan 21 tạp chí được công nhận xếp hạng vào hệ thống Scopus. Đồng thời trong số hơn 2.800 cơ sở nghiên cứu mạnh ở trên thế giới, Việt Nam đã có tên 3 đơn vị là Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội được có tên trong hệ thống Scopus.

Theo tài liệu của trường Đại học Kinh tế – Luật, hiện nay, trên thế giới có rất nhiều tạp chí khoa học. Do vậy, việc lựa chọn bài báo của một tạp chí nào đó để người nghiên cứu thực hiện tổng quan và kế thừa luôn gặp phải những khó khăn. Nhưng việc này lại rất quan trọng bởi vì nó ảnh hưởng quyết định đến chất lượng tổng quan tình hình nghiên cứu khoa học trên thế giới và độ tin cậy của các phương pháp vận dụng khi lựa chọn trích dẫn, kế thừa trong mỗi nghiên cứu.

Có hai nhóm phân loại uy tín được cộng đồng khoa học công nhận trên trên thế giới. Phân loại theo Viện thông tin khoa học Mỹ (Institute for Scientific Information, thường gọi là ISI) và theo Scopus (Hà Lan). Do vậy, ở Việt Nam khi nói tới xét tiêu chuẩn phong giáo sư, phó giao sư hay có tiêu chuẩn là bao nhiêu bài báo đăng trên ISI hay Scopus. Quan trọng hơn, các viện nghiên cứu, trường đại học muốn có tên tuổi, phải có nhiều công trình khoa học công bố quốc tế trên các hệ thống này.

Phân loại của ISI đã tồn tại lâu đời và có uy tín hơn cả. Do vậy, một số quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ công nhận các tạp chí do ISI phân loại, mà không công nhận Scopus, chẳng hạn như Mỹ, Đài Loan… Các thông tin, dữ liệu và đánh giá về kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ và kỹ thuật nếu không theo ISI thì bị lệch so với thống kê quốc tế.

Tại Việt Nam, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) cũng tham khảo các công bố quốc tế để tài trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản (tham khảo ở địa chỉ http://nafosted.gov.vn).

Phân loại theo ISI (Institute for Scientific Information)

Những năm 1960, ISI chỉ bao gồm tập hợp SCI (Science Citation Index) với khoảng khoảng 4.000 tạp chí chuyên ngành về khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ có chất lượng cao và truyền thống lâu đời nhất trên thế giới (tham khảo http://science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlsubcatg.cgi?PC=K). Sau đó, SCI mở rộng thành tập hợp SCIE (Science Citation Index Expanded) với khoảng 7.000 tạp chí khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, xã hội, nhân văn và nghệ thuật được xuất bản từ năm 1900 đến nay (http://science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlsubcatg.cgi?PC=D).

Hiện nay, ISI được phân loại cụ thể hơn, bao gồm thêm tập hợp SSCI (Social Science Citation Index) với hơn 2.000 tập chí xuất bản từ năm 1956 và A&HCI (Arts & Humanities Citation Index) với hơn 1.200 tập chí từ năm 1975 đến nay.

Cụ thể, ISI là tập hợp của sự phân loại minh bạch, bao hàm cả SCI, SCIE, SSCI và A&HCI với tổng cộng khoảng 10.000 tạp chí khoa học có chất lượng cao, trong tổng số hàng triệu tạp chí thông thường trên thế giới.

Theo tài liệu của Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế – Luật  thì cho đến nay, Việt Nam chưa có tạp chí khoa học nào được lọt vào danh sách ISI.

Phân loại theo Scopus

Bên cạnh phân loại ISI, nhiều tổ chức xếp hạng thế giới, ví dụ như Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCIMAGO (http://scimagojr.com) hoặc Tổ chức xếp hạng đại học (QS World University Rankings, http://www.topuniversities.com) còn sử dụng cơ sở dữ liệu từ nguồn Scopus.

Scopus được xây dựng từ tháng 11 năm 2004 và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), dành cho thuê bao trực tuyến, có trả phí. Đó là một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học. Scopus có chứa hàng chục triệu bản tóm tắt, gần 22.000 danh mục từ hơn 5.000 nhà xuất bản, trong đó hơn 30.000 là tạp chí đánh giá chuyên ngành trong khoa học, kỹ thuật, y tế, xã hội, nghệ thuật và nhân văn.

Để được liệt kê vào danh sách Scopus, các tạp chí cũng được lựa chọn nghiêm ngặt. Số lượng tạp chí nằm trong Scopus gần gấp đôi số lượng nằm trong ISI, nhưng không bao gồm tất cả mà chỉ chứa khoảng 70% số lượng của ISI. Tuy nhiên, nguồn Scopus chỉ bao gồm các bài báo xuất bản từ năm 1995 trở lại đây. Cách đánh giá chất lượng các tạp chí của Scopus cũng dựa vào chỉ số ảnh hưởng IF (Impact Factor), nhưng nội dung trang web của Scopus (www.scopus.com) rất tiện ích khi sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ tra cứu tài liệu đến đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học của các cá nhân và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu…

Việt Nam đã có duy nhất tạp chí toán học Acta Mathematica Vietnamica (Viện Toán học Việt Nam) được lọt vào danh sách Scopus. Trong khi đó, Malaysia đã có 48 và Thái Lan 21 tạp chí được công nhận xếp hạng vào hệ thống Scopus.

Các số liệu của Scopus đã được SCIMAGO sử dụng để đánh giá, xếp hạng các tạp chí khoa học và các cơ sở nghiên cứu khoa học. Theo số liệu, trong số hơn 2.800 cơ sở nghiên cứu mạnh ở trên thế giới, Việt Nam đã có tên 3 đơn vị là Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tác giả: Gia Bảo

Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn